Tiger Ye là một sinh viên tại Vũ Hán, thành phố trung tâm của dịch bệnh. Ngày 21/1, cảm thấy mệt mỏi đến nỗi không ăn nổi bữa tối, anh nghi ngờ mình nhiễm nCoV. Kiểm tra thân nhiệt, Ye biết mình bị sốt.
Khi đó, các thông tin về nCoV còn vô cùng hạn chế. Tuy nhiên người dân đã bắt đầu hoang mang khi giới chức y tế của thành phố 11 triệu dân xác nhận, virus rất dễ lây lan ở người.
Tiger Ye đã trải qua ba tuần nhiễm Covid-19. Ảnh: Tiger Ye |
Ye đến Bệnh viện Tongji vào lúc nửa đêm, thấy một phòng chờ chật kín người, tất cả đều như anh. Dù sốt cao, anh biết mình sẽ phải đợi hàng giờ liền mới được khám bệnh.
"Tôi đã rất sợ. Trên bàn chất đống giấy khám và các bác sĩ đều mặc đồ bảo hộ, điều mà tôi chưa từng thấy trước đây", anh kể lại.
Ye bỏ xếp hàng tại Bệnh viện Tongji để đến khám và mua thuốc ở một cơ sở y tế nhỏ hơn gần đó. Bác sĩ nói các triệu chứng chưa nghiêm trọng và khuyên anh nên tự cách ly tại nhà.
Bốn ngày tiếp theo, Ye vô cùng khổ sở.
"Tôi bị sốt cao và đau đớn khắp cơ thể", anh nói. Ye thường dành cả ngày xem phim hoạt hình để quên đi cơn khó chịu.
Gần đến ngày hẹn khám tiếp theo của anh, chính quyền đột ngột phong tỏa thành phố Vũ Hán để ngăn chặn sự lây lan của virus. Người dân bị đặt trong tình cảnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Mọi thứ thay đổi nhanh chóng. Đường phố vắng vẻ, rau quả tươi tăng giá, người dân không chắc liệu họ có được rời khỏi nhà hay không.
Tiếp theo đó là hơn hai tuần lo lắng và tuyệt vọng. Chưa được bác sĩ khám, Ye cố tự chẩn đoán để xác định liệu mình có nhiễm virus viêm phổi corona hay không. Các triệu chứng của anh ngày càng nghiêm trọng. Ye may mắn khi có cha là một nhân viên y tế. Ông đã nhận ra các triệu chứng bệnh sớm hơn hầu hết người dân tại Vũ Hán.
Bệnh nhân viêm phổi được điều trị trong khu vực cách ly. Ảnh: Reuters |
Tình trạng sức khỏe của Ye xấu đi.
"Tôi ho như thể sắp chết", anh nói.
Kết quả chụp CT tại bệnh viện sau đó cho thấy, khả năng cao Ye mắc Covid-19, bệnh đã lan đến phổi. Các bác sĩ xét nghiệm axit nucleic cho anh, sau đó phân tích trình tự gene để xem anh có nhiễm virus hay không. Tuy nhiên, trường hợp của Ye được dịch thuật đánh giá là chưa nghiêm trọng. Bệnh viện để dành bộ kit xét nghiệm quý giá cho những người nguy kịch hơn.
Quá trình chẩn đoán cũng là trở ngại chính trong công tác dập dịch ở Hồ Bắc, nơi số người nghi nhiễm bệnh vượt xa khả năng xét nghiệm của các bệnh viện.
Sau lần khám này, Ye nghỉ ngơi tại nhà, vẫn không biết mình có mắc bệnh hay không. Anh trai và bà của anh cũng bắt đầu biểu hiện bất thường. Qua một đêm, tình trạng của Ye tồi tệ đến mức anh nghĩ mình sắp chết.
"Tôi tưởng mình đã gõ cửa địa ngục", anh nói.
Ye buộc phải trở lại bệnh viện khi sốt cao 39 độ C. Bác sĩ tiến hành tiêm truyền tĩnh mạch và cho anh sử dụng Kaletra, loại thuốc dùng để điều trị HIV trước đó cho thấy khả năng chống lại virus corona chủng mới. Cuối ngày, thân nhiệt của anh giảm còn 37 độ C.
Sức khỏe của Ye cải thiện đáng kể. Ngày 29/1, anh được xét nghiệm axit nucleic, kết quả dương tính với nCoV. Bác sĩ kê cho anh đơn thuốc kháng virus Aluvia uống trong 5 ngày. Anh về nhà, phần vì bệnh viện không đủ giường nằm.
Ngày 7/2, kết quả xét nghiệm của anh âm tính. Tuy nhiên anh lại được đưa đến một khách sạn để tiếp tục cách ly dưới sự giám sát của lực lượng an ninh. Trước đó, nhiều bệnh nhân dù đã âm tính vẫn đột ngột trở nặng.
Anh về nhà ngày 13/2, kết thúc ba tuần là bệnh nhân Covid-19. Ye cảm thấy biết ơn vì mình còn sống sót. Anh tạm biệt các y tá, những người đã đặt mạng sống vào vòng nguy hiểm để cứu chữa cho các bệnh nhân như anh.
Nhiều bác sĩ cho biết, họ nghi ngờ mình cũng nhiễm bệnh, song vẫn tiếp tục làm việc ngày đêm.
Thục Linh (Theo Bloomberg )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét