Mẫu bệnh phẩm dương tính với nCoV. Ảnh: AFP. |
Zhang Dingyu, giám đốc bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán, hôm 13/2 kêu gọi những người nhiễm nCoV đã hồi phục hiến huyết tương, bởi loại dịch này có thể chứa nhiều protein quý giá giúp chữa trị cho các bệnh nhân khác, theo Xinhua. Trước đó, Tập đoàn Công nghệ sinh học Trung Quốc (CNBG) cho biết 10 bệnh nhân nguy kịch đã tiếp nhận điều trị bằng kháng thể trong huyết tương và tình trạng của họ cải thiện đáng kể trong vòng 12 - 24 giờ.
Giới chuyên gia nhận định đây là phương pháp hứa hẹn để điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV. Nhưng do virus có tỷ lệ tử vong thấp, việc bỏ qua quá trình thử nghiệm thuốc thông thường không hợp lý và các bác sĩ cần hết sức thận trọng để đề phòng tác dụng phụ.
Kháng thể là những protein hệ miễn dịch tạo ra để chống lại tác nhân xâm nhập vào cơ thể như virus, vi khuẩn hoặc chất lạ khác. Kháng thể được tạo riêng cho từng tác nhân xâm nhập. Tuy nhiên, cơ thể cần thời gian để điều chỉnh sản sinh kháng thể trước tác nhân hoàn toàn mới. Nếu cùng loại virus hoặc vi khuẩn tìm cách xâm nhập trong tương lai, cơ thể sẽ ghi nhớ và nhanh chóng sản sinh đội quân kháng thể chiến đấu với mầm bệnh.
Người mới bình phục sau khi mắc Covid-19 vẫn có kháng thể đối với virus corona tuần hoàn trong máu. Về lý thuyết, tiêm kháng thể lấy từ họ vào bệnh nhân đang ốm có thể giúp bệnh nhân chống lây nhiễm tốt hơn. Nói cách khác, phương pháp điều trị này sẽ truyền miễn dịch ở bệnh nhân đã phục hồi sang bệnh nhân đang ốm. Đây là phương pháp từng được sử dụng trong các đại dịch cúm, theo Benjamin Cowling, giáo sư dịch tễ học ở Đại học Hong Kong.
"Tôi rất dịch thuật vui mừng khi biết huyết tương từ người sống sót sau khi mắc Covid-19 đang được thử nghiệm theo luật 'nghĩa vụ từ bi'", Carol Shoshkes Reiss, giáo sư sinh học và khoa học thần kinh ở Đại học New York, chia sẻ. Tuy nhiên, Reiss nói các bác sĩ cần kiểm soát các ảnh hưởng của phương pháp điều trị.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, luật "nghĩa vụ từ bi" quy định có thể dùng một số loại thuốc thử nghiệm cho bệnh nhân bên ngoài thử nghiệm lâm sàng, đặc biệt là trong tình huống khẩn cấp. Trong trường hợp này, người sử dụng huyết tương là những bệnh nhân ốm nặng, theo Times.
Không phải mọi chuyên gia đều ủng hộ truyền huyết tương cho bệnh nhân. "Tôi cho rằng những cách điều trị này đều là ý tưởng hay, nhưng chưa có cơ sở nào khiến tôi muốn từ bỏ quy trình thông thường mà chúng ta vẫn sử dụng để đảm bảo một phương án điều trị an toàn và hiệu quả trước khi áp dụng cho bệnh nhân", tiến sĩ Eric Cioe-Peña, giám đốc của mạng lưới y tế Northwell Health, cho biết. "Tôi nghĩ chúng ta nên tiếp tục tuân theo quy trình khoa học và nỗ lực nghiên cứu những cách điều trị đó trước khi đưa vào sử dụng, đặc biệt đối với virus có tỷ lệ tử vong thấp như vậy".
Truyền huyết tương là một trong nhiều phương án điều trị mà các chuyên gia đang cân nhắc để đối phó Covid-19, dịch bệnh lây nhiễm sang hơn 67.000 người, trong đó có hơn 1.500 ca tử vong tính đến ngày 15/2. Các phương án điều trị khác bao gồm thuốc kháng virus hoặc tìm kiếm phân tử mới ngăn virus bám vào tế bào.
An Khang (Theo Live Science )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét