Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2020

Nhật ký nhà đầu tư bị Covid-19 hạ gục

Nhật ký nhà đầu tư bị Covid-19 hạ gục - VnExpress
×
Chủ nhật, 29/3/2020, 01:37 (GMT+7)

Nhật ký nhà đầu tư bị Covid-19 hạ gục

James B. Stewart, nhà đầu tư chứng khoán kỳ cựu đã sống sót, thậm chí dịch công chứng giàu lên qua 4 lần thị trường sập, lại không chuẩn bị được gì cho lần này.

James B. Stewart là cây bút bình luận trên New York Times. Ông hiện là giáo sư báo chí kinh doanh tại Đại học Columbia (Mỹ) và đã viết 9 cuốn sách. Năm 1988, ông được trao giải Pulitzer về báo chí giải thích.

Stewart còn là nhà đầu tư chứng khoán kỳ cựu với 40 năm kinh nghiệm. Trên New York Times, ông đã kể lại kinh nghiệm và bài học của mình từ khi mới đầu tư đến thời điểm đại dịch bùng phát:

James B. Stewart đã có 40 năm đầu tư chứng khoán.

Sáng thứ năm ngày 19/3, bốn tuần sau khi Covid-19 quét qua Mỹ, Dow Jones mất 700 điểm ngay khi mở cửa. Phiên trước đó, nó đã giảm về dưới mốc 20.000 điểm. Chỉ số này đã mất 30% trong một tháng - mạnh nhất lịch sử, thậm chí còn tệ hơn hồi Đại Suy thoái.

Mức giảm thật kinh khủng. Tuy nhiên, tôi biết rằng đây là thời điểm để mua vào, theo quy tắc mà tôi đã tích luỹ qua nhiều thập kỷ đầu tư. Nhưng khi mở máy và đăng nhập vào tài khoản của mình, cái đầu tiên tôi nhìn thấy là giá trị danh mục hiện tại.

Sống trong một căn nhà ở vùng nông thôn New York, đã nhiều ngày qua tôi không vào tài khoản. Giờ tôi chẳng muốn nhìn thấy nó nữa.

Tôi quyết định tốt hơn hết là đi xem dự báo thời tiết. Cũng còn nhiều email phải đọc nữa. Nhưng một tiếng trôi qua, tôi chẳng làm gì cả. Tôi thấy toàn thân mình tê liệt.

Tôi đã đầu tư cổ phiếu gần 40 năm, đã vượt qua và thậm chí giàu lên sau 4 lần thị trường sập. Đáng lẽ, tôi phải chuẩn bị tốt cho lần này rồi. Tuy nhiên, nhìn lại vài tuần qua, tôi nhận ra mình đã vi phạm hầu hết các quy tắc đã được kiểm chứng của chính mình. Khi cuộc sống thường ngày bị đảo lộn, tôi mắc kẹt giữa tâm lý lạc quan và tuyệt vọng. Tôi đã để cảm xúc ảnh hưởng đến quyết định của mình.

Kinh nghiệm đầu đời

Mùa hè năm 1982, với sự ủng hộ của cha, tôi lần đầu tiên đầu tư vào một quỹ tương hỗ ngay khi tiết kiệm đủ tiền. Hóa ra, 1982 là một năm tuyệt vời. Nhiều năm sau, thị trường tăng đều. Tôi thích tìm kiếm kết quả quỹ tương hỗ của mình trong các bản tin chứng khoán. Trong 5 năm tiếp theo, thị trường tăng gấp 3 lần.

Ngày 19/10/1987, tôi đến thăm anh trai đang học ở Pháp. Khi rời khách sạn ở Strasbourg sáng hôm sau, tôi chợt nhìn thấy trên trang nhất một tờ báo là dòng tít Dow Jones mất 23 gì đó. Tôi thắc mắc khi tin về thị trường chứng khoán Mỹ lại được đăng trên báo Pháp. Ghé mắt nhìn kỹ hơn, tôi thấy số 23%.

Dow đã mất 508 điểm trong một ngày - mức giảm tồi tệ nhất khi đó.

Các nhà môi giới hoảng tại tại Sàn New York ngày 19/10/1987. Ảnh: AP

Tôi cảm thấy cần phải cứu vãn những gì còn lại của khoản tiết kiệm bằng cách đặt lệnh bán. Nhưng tôi đang ở quá xa và không cách nào là phải tiếp tục ôm. Khi trở lại Mỹ, thị trường ổn định lại. Nhưng trong một lần lao dốc sau đó, tôi đã bán toàn bộ khoản đầu tư của mình. Đến tháng 9/1989, thị trường phục hồi hoàn toàn. Tôi chờ đợi trong vô vọng để có thời cơ tốt rót tiền.

Từ đó, tôi thề sẽ không bao giờ giao dịch trong hoảng loạn. Tôi đưa ra một quy tắc: không bao giờ bán vào ngày giảm điểm và không bao giờ mua vào ngày tăng điểm. Quy tắc này giúp tôi thành công trong thập kỷ tiếp theo, khi thị trường tăng trưởng kỷ lục, nhờ sự bùng nổ công nghệ.

Dần dần, tôi hoàn thiện thêm chiến lược của mình. Theo đó, tôi sẽ mua vào mỗi lần thị trường điều chỉnh (giảm 10% so với đỉnh gần nhất). Rồi tôi lại tiếp tục mua thêm mỗi lần giảm 10% sau đó. Bằng cách này, tôi sẽ không bao giờ phải mua ở giá đỉnh.

Kiếm lời năm 2008

Tôi đã áp dụng quy tắc này vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tháng 10 năm đó, khi thị trường đua nhau bán tháo và những người khác khoe khoang rằng mình đã đoán trước điều này để rút chân, tôi tự tin nói mình đang mua vào.

Tất nhiên, giai đoạn đầu cũng không hoàn hảo, vì thị trường có đến 5 lần giảm 10%, với lần cuối là vào tháng 3/2009. Tôi khá ngớ ngẩn khi mua vào trong lần điều chỉnh đầu tiên, vì thị trường sau đó còn giảm thêm 40%. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn thu lời từ những lần mua đầu đó, vì thị trường sau này tăng kỷ lục.

Năm 2009, tôi chẳng phải lo lắng chuyện tham gia lại thị trường. Vì tôi đã ở đó rồi.

Tự tin với Covid-19

Kể từ đó, thị trường chỉ có thêm 5 lần điều chỉnh. Mỗi lần là một cơ hội mua vào cho tôi. Lần giảm 10% cuối cùng là cuối năm 2018. Sau đó, khi tài khoản dần phình lên, tôi tự hỏi bao giờ thị trường mới bán tháo để có thêm cơ hội béo bở nữa. Tôi dần trở nên mất kiên nhẫn. Đến ngày 19/2/2020, S&P 500 thậm chí đóng cửa ở mức cao kỷ lục.

Khi đó, không ai nghĩ đến việc thị trường rơi vào vùng giá xuống, hay Mỹ tiến gần đến suy thoái, dù cổ phiếu đang được định giá cao kỷ lục và Covid-19 bắt đầu lan rộng.

Rồi chỉ một tuần sau, thị trường bắt đầu giảm. Ban đầu chậm, rồi từ từ tăng tốc. Đến ngày 25/2, S&P 500 giảm 7,6% so với đỉnh gần nhất.

Đường phố vắng vẻ ở Via Manzoni (Milan, Italy) vì đại dịch. Ảnh: NYT

Từ góc độ tài chính, tôi không lo lắng về virus. Dịch đã chững lại ở Trung Quốc. Có một vài trường hợp ở Mỹ, hầu hết trong một viện dưỡng lão ở Washington. Mọi người đều nói rằng nước Mỹ có hệ thống chăm sóc y tế tốt hơn, chất lượng không khí tốt hơn và phương tiện hiệu quả hơn để ngăn chặn lây lan so với Trung Quốc.

Là một nhà đầu tư, tôi đã sống qua nhiều dịch bệnh do virus gây ra. SARS, MERS, tả lợn châu Phi, Ebola đều không có tác động rõ rệt đối với chứng khoán Mỹ. Ngay cả đại dịch AIDS tàn khốc cũng ít ảnh hưởng.

Vì vậy, ngày 25/2, tôi đổ tiền vào một quỹ đầu tư theo chỉ số, bỏ qua quy tắc chỉ mua khi thị trường điều chỉnh, do quá háo hức muốn tận dụng cơ hội thoáng qua. Tuy nhiên, cổ phiếu hôm sau giảm thêm một chút. Đến 27/2, S&P giảm gần 5%.

Sau đó, mức điều chỉnh lớn nhất được ghi nhận là giảm 12% so với mức đỉnh tuần trước, trong lúc Covid-19 đã lan rộng toàn cầu, gồm cả Mỹ. Tôi nhận ra rằng mình nên chờ đợi. Tôi cảm thấy ngu ngốc và tội lỗi vì vi phạm quy tắc của tôi. Tôi thề sẽ không làm điều đó một lần nữa.

Điều tồi tệ đến

Vào thứ hai tuần sau đó, S&P tăng gần 5% nhờ tin đồn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp hạ lãi suất. Nhưng đà tăng rất ngắn ngủi. Đến cuối tuần, S&P đã xóa sạch mức tăng đạt được đầu tuần. Dù lo lắng, tôi lại không phải là một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm. Tôi cho rằng cổ phiếu đã định giá rủi ro rồi. Những gì tôi đã biết là thị trường đang điều chỉnh sâu và cần mua thêm.

Tôi có thể còn mua vào sớm hơn, nhưng quyết định tuân thủ đúng quy tắc xưa nay của mình. Nhưng vào thời điểm bất ổn tăng vọt trên nhiều khía cạnh, tôi cảm thấy như mình đang chịu trách nhiệm cho số phận của bản thân vậy. Ban đầu, tôi cảm thấy khá tốt như thể đang chớp được cơ hội. Nhưng cuối cùng lại thành ra lo lắng không yên.

Cuối tuần đầu tiên của tháng 3, tin tức đại dịch ở Italy dồn dập. Những gì dường như là mối đe dọa xa xôi giờ đã có vẻ đến rất gần. Tình hình còn tệ hơn khi Nga và Saudi Arabia quyết định lao vào cuộc chiến giá dầu trong lúc nhu cầu đang giảm mạnh. Giá dầu rơi tự do làm ngành năng lượng khốn đốn.

Tôi dự đoán thị trường sẽ có một ngày thứ hai tồi tệ, nhưng nó thậm chí còn tệ hơn tôi hình dung. S&P đã đóng cửa ngày hôm đó (9/3) với mức giảm 7% - lớn nhất kể từ "Thứ hai Đen tối" năm 1987.

Tôi bị sốc. Cổ phiếu đã giảm nhiều hơn so với mức trung bình của thị trường Mỹ. Quỹ chỉ số chứng khoán quốc tế của tôi đã giảm 20% so với mức đỉnh tháng 2 và quỹ thị trường mới nổi đã mất một phần tư giá trị.

Tôi nghĩ lại về trải nghiệm của mình 33 năm trước, về cảm giác hoảng hốt ở Strasbourg. Tôi cố nhắc nhở bản thân rằng sự biến động là ngắn hạn, quỹ đạo dài hạn của thị trường là luôn luôn tăng. Khi thị trường đi xuống, đó là lúc mua thêm cổ phiếu.

Chỉ số DJIA giảm 10% phiên 12/3 trên sàn New York. Ảnh: Reuters

Vào thứ năm (12/3), sau khi Tổng thống Trump cấm hầu hết các chuyến bay giữa Mỹ và châu Âu, còn các nền kinh tế trên thế giới bắt đầu đóng cửa, cuộc "tàn sát" trên thị trường chứng khoán thậm chí còn tồi tệ hơn thứ hai. S&P mất 10%, khiến mức giảm so với đỉnh lên 27%.

Theo quy tắc của riêng tôi, đó là thời điểm để mua vào. Nhưng tôi không còn nhận ra nữa. Tôi đang bận hủy một kỳ nghỉ vào tuần tới ở Quần đảo Virgin. Tôi bắt đầu suy nghĩ về viễn cảnh cô lập của chính mình, điều mà thậm chí vài ngày trước đó dường như không thể tưởng tượng được.

Tồi tệ hơn, một người bạn ở Tây Ban Nha 40 tuổi khỏe mạnh mà tôi vừa đến thăm vào tháng 11/2019, đã bị bệnh nặng vì Covid-19. Anh ta hôn mê trong bệnh viện Madrid. Tôi lo lắng về sự lây lan của dịch bệnh, không còn tâm trí nghĩ về thị trường chứng khoán hoặc tài sản đang giảm nhanh chóng của mình.

Biến động kỷ lục

Vài ngày sau, thêm 2 người bạn của tôi nhiễm bệnh. Chiến lược giao dịch của tôi không cứng nhắc, mà dựa trên sự hợp lý. Vài ngày sau, khi đang đi bộ dọc một con đường quê, tôi nghĩ mình đã hết lý do để "án binh bất động". Tôi biết rằng nên mua tiếp khi S&P vẫn đang thấp hơn 20% so với đỉnh gần nhất.

Nhưng thị trường biến động hơn những gì tôi đã từng trải qua. S&P ghi nhận thêm một kỷ lục mới - chuỗi 7 ngày liên tục biến động từ 4% trở lên.

Thứ sáu ngày 13/3, thị trường chứng khoán tăng điểm vào cuối phiên, khi ông Trump hứa sẽ có các biện pháp mới để ngăn chặn dịch bệnh và thúc đẩy nền kinh tế. S&P 500 đóng cửa gần như chính xác ở mức dưới đỉnh 20%. Tôi vẫn không làm gì cả.

Biến động mạnh vẫn tiếp tục. Vào thứ hai sau đó, thị trường sụp đổ, xóa bỏ tất cả mức tăng của ngày 13/3. Dow Jones giảm xuống dưới mốc 20.000 lần đầu tiên sau ba năm. Thị trường đã giảm 30% và đó là thời điểm để mua vào. Nhưng tôi vẫn không hành động.

Ngày hôm sau, thị trường chứng khoán quay đầu tăng. Tôi cảm thấy bị cám dỗ với ý nghĩ mua vào, bởi ám ảnh rằng điều tồi tệ nhất có thể đã đi qua. Tôi lo lắng mình đã bỏ lỡ cơ hội bắt đáy và một lần nữa thất bại với chiến lược của bản thân. Nhưng cơ hội ở mốc giảm 30% so với đỉnh gần nhất không còn, và tôi tự nhắc lại quy tắc không mua trong ngày tăng.

Hôm sau, nhiều tin tốt xuất hiện, nhất là dịch ở Trung Quốc đã lắng xuống. Tuy nhiên, thị trường vẫn đỏ trong phiên sáng, một lần nữa kích hoạt mục tiêu mua ở mốc 30% của tôi. Lần này, sau một lúc do dự, tôi hành động.

Tôi không hưng phấn, nhưng cảm thấy tốt hơn những ngày qua. Tôi đã tập trung sự can đảm để đối mặt với sự thật. Tôi đã hành động theo kế hoạch. Sự tự tin của tôi vẫn duy trì qua ngày hôm sau, với một phiên giảm điểm nữa.

Tâm lý dao động

Tôi kể lại cuộc đấu tranh nội tâm về chuyện đầu tư gần đây cho Frank Murtha, một lãnh đạo tại hãng tư vấn MarketPysch kiêm chuyên gia về tài chính hành vi. Ông nói trường hợp của tôi không bất thường, ngay cả trong các nhà đầu tư dày dạn.

Ông ấy giải thích sự miễn cưỡng xem xét danh mục đầu tư những ngày qua là tâm lý phổ biến. "Thấy mình mất tiền tất nhiên là đau đớn", Frank Murtha nói. "Nó không chỉ là việc bạn nghèo hơn, mà bạn còn thấy xấu hổ, dại dột, như làm hỏng việc vậy. Một trong những điều khó khăn nhất là tách riêng chuyện tiền nong ra khỏi bản ngã của mình", ông nói.

Frank Murtha tiếp can đảm cho tôi đối mặt cảm xúc mua vào. "Không có gì làm giảm sự lo lắng hơn là hành động. Bạn có thể thực hiện những hành động nhỏ, giải quyết nhu cầu cảm xúc mà không khiến tài chính của mình gặp rủi ro không đáng có", ông khuyên.

Vị chuyên gia nói với tôi, cổ phiếu là một trong số ít tài sản mà người ta sẽ cảm thấy khó chấp nhận mua hơn khi nó rẻ hơn. Bởi lẽ, mọi quyết định mua nó đều gắn với những yếu tố tiêu cực. Chính Frank Murtha cũng từng sợ hãi vào năm 2009.

Ít nhất tôi cũng đã không phạm lỗi nghiêm trọng nhất mà ông ta cảnh báo, đó là bán tháo khi thị trường giảm mạnh, vì đó là lúc mọi người sẽ thực sự bị tổn thương. "Sau khi bán ra, đòn bẩy cảm xúc sẽ chống lại bạn. Nếu thị trường giảm hơn nữa, nó sẽ tô đậm nỗi sợ hãi của bạn. Nếu nó tăng trở lại, bạn sẽ không muốn mua sau khi vừa bán. Sau đó, tâm lý sẽ càng tệ hơn. Mọi người không nhận ra sẽ khó khăn thế nào để lấy lại tâm lý", Frank Murtha giải thích.

Chưa thể phấn chấn

Không có gì tôi từng trải qua đủ để giúp tôi sẵn sàng cho tốc độ sụp đổ của thị trường ngày nay. Sau khi đạt đỉnh vào tháng 3/2000, thị trường ở trong vùng giá xuống đến tháng 10/2002, tức hai năm rưỡi. Thị trường giá xuống gần đây nhất bắt đầu từ năm 2007 và kéo dài 17 tháng. Không ai biết lần này sẽ kéo dài bao lâu.

Tôi tự nhủ: Ở lần rơi vào vùng giá xuống gần nhất, S&P chưa bao giờ giảm hơn 50% so với mức đỉnh 2007. Trong Đại suy thoái - thị trường giá xuống tệ nhất từ trước đến nay, S&P giảm 86%. Nhưng có lẽ nó không bao giờ chạm mốc 0. Và sau những đợt giảm giá mạnh đó, thị trường không những phục hồi mà cuối cùng còn đạt mức tăng kỷ lục.

Tuần này tôi nhận được một số tin tốt. Bạn tôi ở Tây Ban Nha tỉnh lại từ hôn mê. Các bác sĩ nói rằng ông ấy sẽ phục hồi chậm, nhưng họ vẫn lạc quan. Vào thứ ba (24/3), thị trường tăng vọt, tiếp nối là hai phiên tăng nữa.

Tuy nhiên, tôi không cảm thấy phấn chấn. Kinh nghiệm của tôi cho thấy sẽ có những phiên tăng mạnh giữa lúc thị trường đang có xu hướng giảm tệ nhất. Bây giờ, mục tiêu tiếp theo của tôi là mua vào khi S&P giảm 40% so với mức đỉnh.

Phiên An (theo The New York Times)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét